0

9 lầm tưởng về chứng rối loạn phổ tự kỷ (Phần 1) | Safe and Sound

Có rất nhiều quan niệm và lầm tưởng về chứng rối loạn phổ tự kỷ và những người bị hội chứng này. Các chuyên gia tâm lý cho biết, những lầm này có thể có hại và khiến mọi người kì thị, xa lánh người mắc tự kỷ và khiến họ không nhận được sự hỗ trợ mà họ xứng đáng được nhận. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá những suy nghĩ sai lầm của nhiều người trước giờ về rối loạn tâm thần này.

Ngô Thị Sáng | Thạc sĩ Giáo dục học – Viện tâm lý và sức khoẻ tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khoẻ Cộng đồng và Phát triển

1. Rối loạn phổ tự kỷ là do vắc-xin gây ra

nh 1: Hiểu lầm rối loạn phổ tự kỷ là do vắc-xin gây ra

Có một số người còn nhầm tưởng rằng vắc-xin có thể gây ra bệnh tự kỷ. Mặc dù đây là một hiểu lầm tương đối phổ biến nhưng thực tế nó không đúng.

Câu chuyện đằng sau lầm tưởng này là vào cuối những năm 1990, một nghiên cứu đáng ngờ đã được công bố trên một tạp chí chỉ ra mối liên hệ rất mong manh giữa vắc-xin và rối loạn phổ tự kỷ. Các chuyên gia tâm lý cho biết, thí nghiệm được thực hiện không những không đạt tiêu chuẩn khoa học mà sau đó còn bị vạch trần là không đúng sự thật. Trên thực tế, bác sĩ đứng sau nghiên cứu này đã bị tước giấy phép hành nghề y tế. Thật không may, hiểu lầm này đã lan rộng trong vài thập kỷ qua mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy có bất kỳ mối liên hệ nào giữa vắc-xin và rối loạn tâm thần này.

2. Rối loạn phổ tự kỷ là một bệnh dịch

Nhiều người cho rằng chứng rối loạn phổ tự kỷ ngày càng trở nên phổ biến đến mức có thể coi là “đại dịch”. Tuy nhiên, đây cũng là một quan niệm không đúng.

Theo các chuyên gia tâm lý, hiện nay số người được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ thực sự đã tăng lên trong hai hoặc ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, điều này là do  hiểu biết ngày càng tăng về chứng rối loạn tâm thần này cũng như khả năng chẩn đoán của các cơ sở y tế ngày một tốt hơn.

Các chuyên gia tâm lý chia sẻ, trước đây, nhiều người mắc rối loạn phổ tự kỷ có thể không được chẩn đoán và bị đối xử như một người khó giao tiếp trong xã hội, thiếu nhạy cảm, sống nội tâm hoặc kết hợp tất cả các loại trên.

3. Người mắc tự kỷ có tài năng đặc biệt

nh 2: Hiểu lầm rối loạn phổ tự kỷ có tài năng đặc biệt

Một quan niệm sai lầm phổ biến khác trong số những lầm tưởng về chứng tự kỷ, được các phương tiện truyền thông văn hóa đại thể hiện trên các bộ phim, đó là tất cả những người tự kỷ đều có những tài năng siêu nhiên, là một thiên tài. Tuy nhiên, điều này là không chính xác.

Trên thực tế, theo các chuyên gia tâm lý, không quá 1 trên 10 (hoặc 10%) số người mắc chứng tự kỷ thể hiện khả năng đặc biệt ở một lĩnh vực nào đó. Người tự kỷ thường thể hiện sự quan tâm rất cụ thể và tập trung vào một chủ đề đơn lẻ, đôi khi đến mức loại trừ bất cứ thứ gì khác. Điều này có nghĩa là họ có thể có trình độ kiến ​​thức cao hơn mức trung bình về chủ đề cụ thể. Điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn về việc họ có tài năng đặc biệt.

4. Người mắc tự kỷ không có cảm xúc

Một số người cho rằng chứng rối loạn phổ tự kỷ có nghĩa là người đó không thể cảm nhận được cảm xúc. Đây là một trong những quan niệm sai lầm thể hiện sự kì thị lớn với người tự kỷ.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, điều này hoàn toàn không đúng sự thật. Người mắc chứng tự kỷ hoàn toàn có khả năng cảm nhận được mọi cảm xúc. Do chứng rối loạn phổ tự kỷ có thể ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của một người nên điều này thường bị hiểu sai là họ không có cảm xúc. Người tự kỷ cũng có thể gặp khó khăn trong việc diễn giải cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm của người khác cũng như hiểu được các sắc thái xã hội. Mức độ hiểu biết và tương tác khác nhau này có thể ảnh hưởng đến khả năng kết nối và hòa nhập xã hội của họ nhưng không phản ánh sự không sẵn lòng hoặc không quan tâm của họ. Trị liệu và can thiệp chuyên nghiệp với bác sĩ, chuyên gia tâm lý có thể giúp người mắc rối loạn phổ tự kỷ cải thiện được các khó khăn này.

 

Xem thêm:

Rối loạn phổ tự kỷ có những dấu hiệu gì?

Khi trẻ tự kỷ la hét, bố mẹ phải làm gì?

: 9 lầm tưởng về chứng rối loạn phổ tự kỷ (Phần 1) | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound